Nguyên nhân gây bệnh loãng xương cần lưu ý
1. Tìm Hiểu Về Bệnh Loãng Xương
Loãng xương là một bệnh lý xảy ra khi mật độ xương giảm, cấu trúc xương thoái hoá. Điều này xảy ra trong một khoảng thời gian dài và âm thầm, hầu như không có biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên kết quả là xương trở nên lỏng lẻo, yếu và rất dễ gãy.
Đó là lý do nhiều người phát hiện ra loãng xương khi đã quá muộn, thường không can thiệp được nữa nhất là những tổn thương liên quan đến cột sống.
Để nói về đối tượng dễ gặp phải tình trạng này nhất thì chính là người già, chủ yếu là do quá trình lão hóa đi kèm với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt kém lành mạnh. Cụ thể ra sao, hãy cùng tham khảo những thông tin tiếp theo dưới đây nhé.
Loãng xương là căn bệnh phát triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng.
2. Những Nguyên Nhân Gây Ra Bệnh Loãng Xương
2.1 Rối Loạn Hormone
Một trong những nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất gây loãng xương đó chính là sự thay đổi nồng độ hormone đột ngột trong cơ thể.
Đó là lý do tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh loãng xương cao, do sự giảm sút estrogen sau thời kỳ mãn kinh.
Tương tự ở nam giới, khi hormone testosterone giảm xuống cũng gây nguy cơ bị loãng xương cao.
Bởi hai loại hormone này đóng vai trò quan trọng nhằm việc duy trì mật độ và cấu trúc chắc khỏe của xương.
2.2 Yếu Tố Dinh Dưỡng
Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi và vitamin D là yếu tố lớn ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Canxi là thành phần chính của xương, trong khi vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả. Thiếu hụt những chất này làm giảm mật độ xương, làm xương trở nên yếu đi và dễ gãy hơn.
2.3 Lạm dụng Steroid Và Tác Dụng Phụ Của Thuốc Khác
Việc sử dụng corticosteroid trong một số loại thuốc điều trị, cũng như tác dụng phụ của các thuốc chống co giật, điều trị tuyến giáp,... lâu ngày có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, góp phần làm giảm mật độ xương, khiến xương yếu và dễ gãy hơn.
2.4 Các Bệnh Lý Nền
Các trường hợp bị bệnh nền như viêm khớp dạng thấp, cường giáp, bệnh về tiêu hoá và một số rối loạn di truyền khiến loãng xương diễn ra nhanh hơn. Bởi chúng ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi đồng thời còn làm suy yếu cấu trúc xương.
2.5 Lối Sống Không Lành Mạnh
Các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ít vận động và uống nhiều caffeine cũng là yếu tố gây nguy cơ loãng xương. Thói quen hút thuốc và uống rượu làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng xấu đến việc tái tạo, củng cố cấu trúc xương.
Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
3. Cách Chẩn Đoán Bệnh Loãng Xương
Nếu bạn nghi ngờ mình có thể gặp phải tình trạng loãng xương thì có thể đến trực tiếp bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Căn bệnh này càng phát hiện sớm càng dễ điều trị. Để chẩn đoán loãng xương chính xác nhất, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp DEXA (Dual-energy X-ray absorptiometry) nhằm đo mật độ xương (BMD). Đây được coi là phương pháp chính xác nhất cũng như được sử dụng nhiều nhất nhằm đánh giá tổng quát tình trạng xương của cơ thể người. Bên cạnh đó, để xác định chính xác nguyên nhân gây loãng xương, bác sĩ còn có thể thực hiện thêm các xét nghiệm máu. Từ đó biết rõ mức độ canxi, vitamin D cũng như các yếu tố khác có liên quan đến bệnh lý này nhằm đưa ra kết quả với độ chính xác cao.
Với bài viết trên đây, hy vọng bạn sẽ biết thêm về nguyên nhân gây loãng xương để có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt nhằm ngăn ngừa bệnh lý này hiệu quả. Việc bảo vệ sức khỏe xương khớp cũng là cách để bạn sống vui và khỏe hơn mỗi ngày.