Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh tiêu chảy bạn cần lưu ý
1. Tiêu Chảy Là Gì?
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước (có mùi hôi hoặc không) với tần suất nhiều trên 3-5 lần/ngày. Đây là một vấn đề rối loạn tiêu hóa khá phổ biến, có thể gặp ở người lớn và trẻ em. Tiêu chảy xảy ra đột ngột ngay khi có tác nhân gây bệnh và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào yếu tố sức khoẻ, nguyên nhân, triệu chứng, mức độ bệnh lý.
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước (có mùi hôi hoặc không) với tần suất nhiều.
2. Phân Loại Bệnh Tiêu Chảy
Chứng tiêu chảy có thể được phân loại dựa trên các yếu tố thời gian gây bệnh và cơ chế gây bệnh như sau:
2.1 Tiêu Chảy Cấp Tính
Tiêu chảy cấp tính là dạng thường gặp nhất, kéo dài trong thời gian dưới 2 tuần. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Các biểu hiện của tiêu chảy cấp tính thường nhẹ, có thể tự khỏi sau vài ngày nếu được bù nước, bù khoáng và chăm sóc đúng cách.
2.2 Tiêu Chảy Mãn Tính
Tiêu chảy mãn tính là tình trạng mà các biểu hiện thường kéo dài hơn 4 tuần. Đây là dạng tiêu chảy nguy hiểm bởi nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng như: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích.
2.3 Tiêu Chảy Thẩm Thấu
Tiêu chảy thẩm thấu là tình trạng xảy ra khi có quá nhiều chất tan trong lòng ruột. Từ đó, nước từ các mô xung quanh bị kéo vào ruột, gây ra các biểu hiện đi ngoài ra phân lỏng và nước. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thực phẩm mà cơ thể không thể tiêu hóa được, ví dụ như: hấp thụ lactose trong sữa đối với những người không dung nạp lactose.
2.4 Tiêu Chảy Tiết Dịch
Tiêu chảy tiết dịch xảy ra khi cơ thể bị kích thích tăng tiết nước và điện giải vào lòng ruột do vi khuẩn hoặc độc tố như: ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng đường ruột.
3. Nguyên Nhân Gây Ra Bệnh Tiêu Chảy
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tiêu chảy, bao gồm:
Do nhiễm trùng tiêu hóa bởi sự tấn công của vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.
Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chất độc tố hoặc nước uống không sạch gây ngộ độc thực phẩm.
Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm: Dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp lactose, gluten.
Tác dụng phụ của một số thuốc như kháng sinh, kháng viêm không steroid (NSAIDs) gây ảnh hưởng tới dạ dày, dẫn đến tiêu chảy.
Do các bệnh lý đường tiêu hóa như: Crohn, viêm loét đại tràng, ruột kích thích.
Bệnh cường giáp có thể thúc đẩy tăng nhu động ruột và dẫn đến tiêu chảy.
Tiêu chảy có thể do nhiễm trùng tiêu hóa bởi sự tấn công của vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.
4. Biểu Hiện Của Bệnh Tiêu Chảy
Những biểu hiện cho thấy bạn đang bị tiêu chảy có thể kể đến như sau:
Đi ra ngoài phân lỏng, nước tần suất 3-5 lần/ngày trở lên.
Cảm giác đau bụng, khó chịu thành từng cơn, hoặc co thắt bụng muốn đi ngoài.
Với trường hợp bị nhiễm trùng thì tiêu chảy thường kèm theo sốt.
Buồn nôn và nôn mửa thường là khi ngộ độc thực phẩm.
Mất nước với các biểu hiện như: khô miệng, khát nước, tiểu ít, mệt mỏi, chóng mặt.
Ăn không ngon, sụt cân.
5. Những Đối Tượng Có Nguy Cơ Mắc Bệnh Tiêu Chảy Cao
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao có thể kể đến như sau:
Trẻ em với hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị các tác nhân tấn công.
Người cao tuổi với hệ miễn dịch suy yếu, cũng dễ bị vi khuẩn tấn công.
Những người bị HIV/AIDS, ung thư hay bị bệnh phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thường có sức đề kháng yếu.
Người ở trong khu vực có điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm kém.
Người lạm dụng thuốc kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột, gây tiêu chảy.
Việc nhận biết sớm nguyên nhân và biểu hiện của bệnh tiêu chảy, cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn giảm nguy cơ xảy ra biến chứng và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.