Chứng ợ nóng: Nguyên nhân và cách kiểm soát chứng ợ nóng hiệu quả
1. Ợ nóng là gì?
Ợ nóng được biết đến là tình trạng xảy ra khi axit ở bên dưới dạ dày trào ngược lên vị trí thực quản. Ợ nóng không chỉ gây cảm giác khó chịu, nóng rát mà trong một số trường hợp còn gây đau ở khu vực ngực, vùng xương ức khi bệnh nhân nằm, uốn cong cơ thể.
Ợ nóng thường xuất phát ở khu vực cơ trơn thực quản sau đó lan dần tới khu vực cổ họng và thậm chí là cả sau mang tai. Ngoài ra, ợ nóng cũng có thể gây đau trong trường hợp bệnh nhân nằm hoặc khi bệnh nhân uốn cong cơ thể. Sau khi ợ nóng và đã thoát khí ra ngoài, không chỉ vùng cổ họng nóng rát mà bạn có thể sẽ thấy đắng miệng hoặc chua miệng.
Theo y khoa, ợ nóng không phải là một bệnh lý, đó chỉ là một triệu chứng, dấu hiệu cho thấy cơ quan tiêu hóa đang bị rối loạn. Nó có thể xảy ra ở mọi đối tượng với các độ tuổi khác nhau.
Ợ nóng được biết đến là tình trạng xảy ra khi axit ở bên dưới dạ dày trào ngược lên vị trí thực quản.
2. Nguyên Nhân Gây Ra Tình Trạng Ợ Nóng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng, bạn có thể tham khảo một vài nguyên nhân như sau:
2.1 Từ Thói Quen Ăn Uống và Sinh Hoạt
Một số thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ phát sinh chứng ợ nóng. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cà phê hoặc cồn, và thức ăn cay nóng có thể kích thích dạ dày tiết ra quá nhiều axit, gây ra tình trạng trào ngược. Ngoài ra, việc ăn uống không điều độ, ăn không đúng bữa, ăn quá no hoặc để quá đói cũng gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến ợ nóng.
2.2 Từ Các Bệnh Lý
Một số bệnh lý về tiêu hóa cũng có dấu hiệu là chứng ợ nóng, có thể kể đến như: viêm loét dạ dày, chứng trào ngược dạ dày - thực quản, rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới, rối loạn nhu động ruột, bệnh mạch vành, hay thậm chí là ung thư dạ dày.
Ngoài ra, khi bạn sử dụng các nhóm thuốc điều trị một số bệnh lý như Glucocorticoid, thuốc chống viêm nhóm NSAID thì có thể khiến dịch nhầy dạ dày bị mỏng, rối loạn co bóp dạ dày và dễ dẫn tới triệu chứng ợ nóng, đi kèm ho, rát họng.
2.3 Khi Mang Thai
Mang thai và chứng ợ nóng có mối quan hệ mật thiết. Sự biến đổi hormon trong quá trình mang thai cùng sự lớn lên nhanh của thai nhi khiến áp lực trong ổ bụng tăng, chèn ép lên dạ dày là những yếu tố gây ra tình trạng ợ nóng.
Ngoài ra, khi mang thai, cơ thắt tâm vị giãn (cơ nằm giữa dạ dày và thực quản có nhiệm vụ giãn ra cho thức ăn di chuyển từ thực quản đến dạ dày) bị rối loạn, khiến dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây ợ nóng.
Phụ nữ mang thai thường hay ợ nóng.
3. Những Thói Quen Tốt Để Kiểm Soát và Điều Trị Ợ Nóng
3.1 Ăn Uống Khoa Học
Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.
Bổ sung nhiều rau xanh, vitamin, chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Hạn chế thức ăn nhanh, cay nóng, nước ngọt có ga, đồ uống có cồn, cà phê để giảm áp lực lên dạ dày.
3.2 Tránh Tâm Lý Căng Thẳng
Tập yoga, thiền, hoặc các bài thể dục nhẹ nhàng để giảm bớt stress và thư giãn tâm trí.
3.3 Thay Đổi Thói Quen Sinh Hoạt
Ăn uống đúng giờ giấc.
Hạn chế thức khuya.
Có kế hoạch và dành thời gian phù hợp cho làm việc và nghỉ ngơi để tránh cơ thể bị quá tải.
Chứng ợ nóng gây ra nhiều biểu hiện khó chịu và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày tuy nhiên đây không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Chỉ cần bạn điều chỉnh được chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp thì có thể cải thiện được tình trạng này. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để bảo vệ sức khỏe và sống vui mỗi ngày.