Trào ngược dịch vị là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu trào ngược dịch vị
1. Trào ngược dịch vị là gì?
Trào ngược dịch vị là hiện tượng dịch dạ dày (bao gồm acid và các enzym tiêu hóa) di chuyển ngược từ dạ dày lên thực quản. Điều này gây ra sự khó chịu, nóng rát và tổn thương niêm mạc thực quản do không được thiết kế để tiếp xúc với acid mạnh. Trào ngược dịch vị có thể là một hiện tượng tự nhiên sau bữa ăn lớn, nhưng nếu xảy ra thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng hơn, gọi là trào ngược dạ dày-thực quản (GERD).
Trào ngược dịch vị là hiện tượng dịch dạ dày di chuyển ngược từ dạ dày lên thực quản.
2. Nguyên nhân trào ngược dịch vị
Dưới đây là một vài nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược dịch vị:
Suy yếu cơ thắt thực quản dưới (LES): Đây là cơ ngăn cách giữa dạ dày và thực quản. Khi cơ này bị yếu, dịch vị có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản.
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Thường xuyên ăn quá no, ăn uống không đúng giờ, hoặc tiêu thụ các thực phẩm cay, chua, dầu mỡ có thể gây kích ứng dạ dày, làm tăng tiết acid và dẫn đến trào ngược.
Béo phì: Trọng lượng cơ thể quá cao tạo áp lực lên vùng bụng, làm tăng nguy cơ trào ngược dịch vị.
Mang thai: Trong giai đoạn mang thai, tử cung mở rộng có thể gây áp lực lên dạ dày, từ đó dẫn đến trào ngược dịch vị.
Stress và căng thẳng: Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm tăng tiết acid dạ dày, dễ gây trào ngược.
Dùng thuốc: Một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen, hoặc thuốc giãn cơ có thể gây kích ứng dạ dày, làm yếu cơ thắt thực quản và dẫn đến trào ngược.
3. Tác hại khi trào ngược dịch vị
Tình trạng trào ngược dịch vị mang đến những tác hại như sau:
Viêm thực quản: Acid trong dịch vị có thể gây ra những thương tổn cho lớp niêm mạc thực quản, từ đó dẫn tới tình trạng viêm và sưng tấy, với những biểu hiện đau và khó chịu.
Loét thực quản: Nếu không được điều trị, viêm thực quản có thể tiến triển thành biến chứng loét thực quản, với những triệu chứng nghiêm trọng như: chảy máu hoặc thậm chí là thủng thực quản.
Hẹp thực quản: Trào ngược dịch vị có thể gây ra tình trạng viêm, loét kéo dài, dẫn tới việc hình thành sẹo. Do đó, thực quản có thể bị hẹp lại, dẫn tới những khó khăn trong các hoạt động nuốt, ảnh hưởng tới ăn uống, tệ hơn là cơ thể bị thiếu dinh dưỡng.
Tăng nguy cơ ung thư: Trào ngược dịch vị kéo dài có thể gây biến đổi cấu trúc tế bào ở niêm mạc thực quản, làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Trào ngược dịch vị gây ra rất nhiều tác hại.
4. Dấu hiệu trào ngược dịch vị
Bạn có thể nhận biết được tình trạng trào ngược dịch vị thông qua những dấu hiệu như sau:
Ợ nóng đi kèm nóng rát ở vùng ngực: Có thể nói đây là dấu hiệu thường gặp nhất của tình trạng trào ngược dịch vị. Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát ở vùng ngực sau đó kéo lên cổ họng, thậm chí là đau nhói, nhất là sau khi ăn.
Ợ chua, ợ hơi: Trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản sẽ dẫn đến ợ hơi, ợ chua, gây ra ra vị chua hoặc đắng ở khoang miệng.
Khó nuốt: Những tổn thương ở niêm mạc thực quản khiến người bệnh thấy khó nuốt bị vướng hoặc nghẹn khi ăn uống.
Ho khan và khàn tiếng: Dịch vị có thể trào lên thanh quản và họng, gây kích ứng, dẫn đến ho khan hoặc khàn tiếng.
Buồn nôn: Một số người bị trào ngược dịch vị có thể cảm thấy buồn nôn, đặc biệt là sau khi ăn nhiều hoặc ăn các món kích thích dạ dày.
Đau tức ngực thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.
Nếu bạn thường xuyên gặp phải các dấu hiệu đã kể trên của trào ngược dịch vị, hãy tham khảo ngay ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục kịp thời. Hy vọng rằng bài viết sau đã mang đến những thông tin hữu ích để bạn sống khỏe mạnh mỗi ngày.